Thị trường BĐS rất cần một gói tín dụng tương tự gói 30.000 tỷ đồng

Trước những thông tin đa chiều về gói ưu đãi tín dụng 30.000 tỷ đồng, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn nhanh với ông Doãn Thế Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên.


PV: Thưa ông Doãn Thế Cường, ông có đánh giá gì về vai trò của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đối với người vay xây, mua nhà ở xã hội trong thời gian vừa qua?

Ông Doãn Thế Cường: Có thể nhận thấy rất rõ sự hỗ trợ của Chính phủ, ngân hàng đối với đối tượng người thu nhập thấp thông qua gói ưu đãi tín dụng 30.000 tỷ đồng. Gói tín dụng này thiết thực bởi có mức lãi suất thấp, thời gian trả nợ được trải đều trong một khoảng thời gian dài là 15 năm. Như vậy, người thu nhập thấp vẫn đảm bảo được cuộc sống mà vẫn trả được nợ, lại cải thiện được vấn đề nhà ở.

Với mức lãi suất tối đa 6% thì các ngân hàng cũng có lợi và người đi mua nhà cũng có điểm tựa về tài chính để trả nợ dần. Điều này đã góp phần đảm bảo chính sách an sinh xã hội, trong đó có nhà ở xã hội cho công nhân viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang và người thu nhập thấp... Đồng thời, gói tín dụng này cũng góp phần thúc đẩy thị trường BĐS phát triển một cách lành mạnh, đồng bộ hơn ở cả phân khúc nhà thu nhập thấp và nhà ở thương mại theo những nhu cầu khác nhau của thị trường.

Hiện thông tin NHNN dừng triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đang khiến chủ đầu tư dự án BĐS và người mua nhà rất hoang mang. Theo ông, có cần thiết phải có một gói tín dụng ưu đãi tương tự hay không?

Xét trên hiệu quả thực tế của gói 30.000 tỷ đồng trong thời gian qua thì rất cần thiết có một gói tín dụng tương tự, có thể là gói 30.000 tỷ, hoặc 20.000 tỷ. Mức lãi suất của gói này có thể từ 5 - 7%, thời gian vay kéo dài 10 -15 năm. Như vậy, người thu nhập thấp có điều kiện vay mua nhà và trả nợ dần một cách ổn định, yên tâm. Điều đó cũng tạo đầu ra ổn định, rõ ràng cho các doanh nghiệp xây nhà ở xã hội. Từ đó, có thể góp phần khiến cho thị trường nhà ở thương mại phát triển lành mạnh và “ấm” hơn trong thời gian tới, phát triển đồng bộ với sự "ấm" dần lên của thị trường BĐS nói chung.

Theo tôi, NHNN có dừng triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng thì nên tham mưu với Chính phủ dành một khoản tín dụng khác để tiếp tiếp tục ưu đãi cho những người đang có nhu cầu vay mua nhà ở xã hội.

Ông có đánh giá như thế nào về nguồn cung cũng như nhu cầu nhà ở xã hội hiện nay?

Nhà ở dành cho đối tượng người thu nhập thấp là phân khúc mà trong thời điểm nào cũng có nguồn cầu khá lớn. Nhu cầu này là nhu cầu tất yếu của xã hội và tương đối ổn định. Trong thời điểm hiện tại cũng như trong thời gian tới, không chỉ ở những đô thị lớn mà ngay ở khu vực nông thôn, việc chăm lo nhà ở cho công nhân viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động khác cũng rất quan trọng. Vì vậy, Nhà nước, chính quyền các địa phương cần tiếp tục có ưu đãi về giá thuê đất, dành quỹ đất để làm nhà ở xã hội.

Xin cảm ơn ông!

(Theo Báo Xây dựng Online)