Doanh nghiệp BĐS nội yếu thế khi cạnh tranh với khối ngoại

Các chuyên gia đều cho rằng, những hiệp định thương mại vừa ký kết thời gian qua tuy sẽ mang lại cho nền kinh tế Việt Nam cơ hội phát triển đầy hứa hẹn nhưng đồng thời nó cũng tạo ra môi trường cạnh tranh và áp lực gay gắt hơn cho doanh nghiệp Việt.
Dù có lợi thế chủ nhà nhưng sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội được đánh giá là khó có thể bằng được các doanh nghiệp nước ngoài. Một khi các hiệp định thương mại phát huy tác dụng, thị trường bất động sản sẽ thu hút nguồn vốn đầu tư mới, tuy nhiên với tiềm lực hiện tại của nhiều doanh nghiệp cùng với những hạn chế trong chính sách quản lý, khối nội sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khó khăn trong thời gian tới.

Nhận xét về những thuận lợi và hạn chế của doanh nghiệp nội khi chính phủ thông qua các hiệp định thương mại, trong buổi hội thảo Triển vọng đầu tư 2016 - Sự trở lại của BĐS do kênh tài chính FBNC tổ chức tại Tp.HCM, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng , nếu xét trên nội dung  ký kết của các các hiệp định thương mại quốc tế vừa qua thì doanh nghiệp nước ngoài là đối tượng được hưởng lợi nhiều hơn cả. Nếu nhìn vào cam kết và sức ép trong quá trình đàm phán hiệp định dễ dàng thấy rằng nhà đầu tư nước ngoài được bảo vệ quyền lợi và hưởng các chính sách hoạt động tốt hơn. Cụ thể như các chính sách trong chương về đầu tư của nhiều hiệp định được phê chuẩn để đảm bảo khả năng tiếp cận tốt hơn của doanh nghiệp nước ngoài khi vào thị trường Việt Nam. Đơn cử như doanh nghiệp nước ngoài  được luật pháp quốc tế bảo vệ, họ có quyền khiếu kiện ra trọng tài quốc tế nếu như cấp lãnh đạo kể cả trung ương và địa phương có vi phạm quản lý, trong khi đó doanh nghiệp nội lại không được hưởng những lợi thế này mà phải hoạt động theo luật Việt Nam.


Doanh nghiệp BĐS khối ngoại có nhiều lợi thế hơn doanh nghiệp trong nước sau khi các hiệp định thương mại được ký kết. Ảnh minh họa
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương nhìn nhận, khi hiệp định kinh tế phát huy tác dụng, cơ hội phát triển sẽ chia đều cho cả doanh nghiệp nội và ngoại nhưng thách thức thì các doanh nghiệp trong nước sẽ đối mặt nhiều hơn. Muốn tận dụng được cơ hội và hóa giải thách thức, cần phải có sự đồng hành giữa nhà nước và doanh nghiệp. Nhà nước cần phải cạnh tranh bằng thể chế, doanh nghiệp thì cần phải cạnh tranh bằng chất lượng. Tuy cả hai cần đồng hành bên nhau nhưng nhà nước luôn phải đi tiên phong trong việc cải cách thể chế.

 Về câu chuyện hỗ trợ, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề cũng lên tiếng cho rằng, họ cần các chính sách hỗ trợ một cách dài hơi để nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong khi đó các chính sách hỗ trợ hiện nay rất tràn lan. Tức là các biện pháp đa phần chỉ tập trung giải quyết những vấn đề nảy sinh trước mắt, mang tính tình thế. Trên thực tế, với năng lực của nền kinh tế hiện nay, các doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ để có thể đứng vững trước làn sóng hội nhập. Vấn đề là làm sao để các biện pháp hỗ trợ đó được thực hiện trong khuôn khổ những gì đã cam kết.

Bàn về vấn đề cạnh tranh và thu hút nhà đầu tư ngoại, luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư Tp.HCM chia sẻ, quan trọng nhất là các doanh nghiệp nội cần cạnh tranh bằng chính chất lượng sản phẩm. Bên cạnh việc yêu cầu các chính sách hỗ trợ từ nhà nước, bản thân doanh nghiệp cũng phải tự giúp lấy mình. Nhà đầu tư châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc đang ngày càng quan tâm nhiều đến thị trường Việt Nam, tuy nhiên họ đều là những nhà đầu tư, những khách hàng khó tính, yêu cầu đặt ra cho một sản phẩm tương đối cao và tất nhiên là thói quen tiêu dùng cũng  không dễ chấp nhận như người Việt. Nếu nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì phương thức hoạt động thiếu chuyên nghiệp như hiện tại thì rất khó để tiếp cận khách hàng chứ không nói đến cạnh tranh hay thu hút nhà đầu tư ngoại. Vì vậy bước đầu tiên là doanh nghiệp Việt cần hiểu rõ văn hóa trong sinh hoạt của nhà đầu tư, nâng cao yếu tố chất lượng và chuyên nghiệp hóa trong giao dịch.

Kêu gọi nguồn đầu tư từ nước ngoài là rất cần thiết, trong tương lai việc thu hút nguồn vốn mới đến từ những doanh nghiệp quốc tế, từ khách ngoại sẽ giúp thị trường tích cực hơn. Không chỉ BĐS mà các ngành công nghiệp phụ trợ cũng sẽ ăn nên làm ra nếu biết tận dụng thời cơ. Thị trường mở cửa đồng nghĩa với nhu cầu mua và sở hữu nhà ở của người nước ngoài sẽ tăng, đặc biệt đối với phân khúc căn hộ trung, cao cấp tại các đô thị lớn. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có nguồn tài chính mạnh sẽ nhận chuyển nhượng lại các dự án của các doanh nghiệp trong nước mà lâu nay không đủ khả năng để triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ. Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp BÐS trong nước cũng sẽ phải tái cơ cấu đầu tư, nâng cao năng lực và tính chuyên nghiệp để đủ sức cạnh tranh ngay chính trên sân nhà.

Các hiệp định chắc chắn sẽ mang lại cho thị trường nhiều cơ hội, tuy nhiên trên thương trường tự nó không biến thành lợi ích, để có thể vượt qua được thách thức là tùy thuộc vào khả năng của chính doanh nghiệp. Theo đó, để đủ năng lực cạnh tranh với khối ngoại, bên cạnh sự hỗ trợ từ các chính sách, bản thân doanh nghiệp cũng cần gia tăng tính chuyên môn hóa và chất lượng dịch vụ.

Phương Uyên
(Theo Nhịp sống thời đại)